Người mua nhà tham gia “trục lợi” gói 30000 tỷ đồng sẽ không được tiếp tục được vay vốn ưu đãi, hợp đồng mua bán nhà có thể không còn giá trị. Trong khi đó, các chủ đầu tư sẽ phải đối diện với nhiều hình thức xử lý vi phạm.
Người mua nhà rơi vào thế khó
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác xác nhận những đối tượng đủ điều kiện vay vốn gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Bên cạnh quyết định này, Bộ Xây dựng cho hay, Bộ sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng triển khai việc kiểm tra, thanh tra dấu hiệu trục lợi của các cá nhân, tổ chức trong quá trình giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở để tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Phóng viên trước đó đã có nhiều bài viết phản ánh về hiện tượng “trục lợi” gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng dành cho nhà ở tại thị trường Tp.HCM và Hà Nội.
Cụ thể, để phục vụ việc bán hàng nhanh hơn, thậm chí là cả việc trốn thuế, nhiều chủ đầu tư đã sẵn sàng “chia nhỏ” hợp đồng mua bán nhà ở thành nhiều dạng hợp đồng để khách hàng có đủ điều kiện vay vốn gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Khi trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sàn giao dịch Nhà đất 24h Lê Ngọc Quỳnh thừa nhận, thực trạng “chia nhỏ” hợp đồng để khách hàng đủ điều kiện vay vốn gói tín dụng 30000 tỷ đồng là rất phổ biến trên thị trường căn hộ tại Hà Nội. Nhất là tại một số hệ thống phân phối lớn, việc “chia nhỏ” hợp đồng mang tính hệ thống và ở nhiều dự án.
Ông Quỳnh cho biết, nếu Ngân hành Nhà nước và Thanh tra Xây dựng vào cuộc, chắc chắn việc lách luật này sẽ bị phát hiện. Trường hợp bị phát hiện, hợp đồng mua bán nhà của khách hàng sẽ bị vô hiệu, từ đó dẫn tới việc họ sẽ ồ ạt rút vốn tại những dự án bị kiểm tra, thanh tra khiến nhiều chủ đầu tư rơi vào tình trạng khó khăn.
Chủ đầu tư dự án CT12 Văn phú đang dính nghi án “chẻ” hợp đồng để người mua nhà
được vay vốn 30000 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Minh
Theo Luật sư Bùi Quang Hưng (Đoàn luật sư Hà Nội), nếu tổ chức thanh tra, cơ quan chức năng với nghiệp vụ của mình chắc chắn sẽ phát hiện ra việc lách luật để vay gói 30000 tỷ đồng. Khi đó, hợp đồng mua bán sẽ không còn giá trị, người mua nhà không tiếp tục được vay vốn ưu đãi, thậm chí buộc phải bồi thường lãi suất. Trong khi đó, nếu phát hiện có việc trục lợi gói 30000 tỷ đồng, các chủ đầu tư sẽ bị xử phạt. Nghiêm trọng hơn là làn sóng rút vốn từ người mua nhà có thể khiến dự án bị đình trệ, chủ đầu tư rơi vào bế tắc.
Khép lỗi doanh nghiệp không dễ
Giám đốc Công ty Luật Intercode luật sư Phạm Phú Thắng cho biết, trước khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng có hiệu lực, Bộ Xây dựng và Chính phủ đã ban hành những chế tài để hạn chế và xử lý các vi phạm liên quan tới việc trục lợi gói tín dụng này.
Theo đó, khoản 2, Điều 6, Thông tư 07/2013/TT-BXD đã quy định việc vi phạm điều kiện vay vốn, bên cạnh bị phạt hành chính, người mua nhà còn bị buộc phải trả lại số tiền đã vay và chấm dứt hợp đồng vay đã ký kết với các tổ chức tín dụng.
Còn đối với chủ đầu tư, theo quy đinh tại Thông tư 07/2013/TT-BXD, việc trục lợi gói tín dụng 30000 tỷ đồng sẽ phải bồi thường vật chất và bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng, ngân hàng, các tổ chức, cá nhân cũng sẽ bị xử lý trách nhiệm.
Trường hợp việc trục lợi được cơ quan chức năng xác định thì chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn bởi vừa bị người mua nhà rút vốn vừa bị phạt hành chính, thậm chí chịu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, người mua nhà, những người tiếp cận gói tín dụng ưu đãi thường là người đang gặp khó khăn về tài chính nên nếu xác định đã vi phạm và không thể vay tiền ưu đãi, họ khó có thể tiếp tục mua nhà ở và khó trả nợ.
Theo luật sư Thắng, mặc dù đã có chế tài xử lý việc trục lợi gói tín dụng 30000 tỷ đồng nhưng việc kết luận chủ đầu tư có trục lợi gói tín dụng 30000 tỷ đồng hay không là rất khó. Bởi vì, pháp luật chỉ đưa ra quy định tổng giá trị hợp đồng đủ điều kiện vay vốn tín dụng không vượt quá 1,05 tỷ đồng, trong khi việc “chia nhỏ” hợp đồng thành hợp đồng nội thất và hợp đồng mua bán nhà thô lại không trái với quy định của pháp luật hiện hành.
Trong khi đối với người mua nhà, để vay được vốn tín dụng ưu đãi, họ cũng ý thức được, đồng tình và chấp nhận rủi ro nên khó có thể kết luận được đơn vị phân phối, chủ đầu tư lừa đảo hay có hành vi gian dối.